Thay đổi nhận thức từ HTX, nhà sản xuất và doanh nghiệp

Đây là đánh giá của các đại biểu, nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) và các HTX tham gia Hội nghị kết nối giao thương với các HTX năm 2019 diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) ngày 11/12, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức.

Sản phẩm phải an toàn, chất lượng

Công ty TNHH Nấm Dược liệu Adenco (tiền thân là HTX Nấm Anh Tú) tại thôn Chùa, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là đơn vị chuyên nuôi trồng sản xuất các loại nấm, giống nấm, nấm dược liệu. Trong đó, thế mạnh của đơn vị là nuôi trồng sản phẩm Đông trùng hạ thảo. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, Adenco là đơn vị tiên phong ứng dụng sáng chế nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Đông trùng hạ thảo Adenco được nuôi trồng khép kín bảo đảm vòng đời từ các dưỡng chất sạch, giàu dinh dưỡng, đặc biệt dưỡng chất từ Yến, đã cho ra sản phẩm Đông trùng hạ thảo chất lượng, có hàm lượng dược chất quý Adenosin, cordecepin vượt trội, đã mở ra cơ hội cho nhiều người được sử dụng thứ thượng dược đắt đỏ quý hiếm này.

Nhờ vậy, kể từ khi đi vào hoạt động (ngày 10/3/2017) đến nay HTX Nấm Anh Tú đã đã được UBND tỉnh Bắc Giang, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Hội Nông dân tặng giải Ba về “Tài năng sáng tạo khoa học vào tháng 10/2019” và giải Ba “Giải pháp nhân giống nấm bằng dịch thể”, cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, không chỉ có dược liệu Đông trùng hạ thảo được sản xuất với công nghệ tiên tiến, khoa học, mà nhiều DN, HTX trên khắp cả nước thời gian quan đã áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, qua đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cam Cao Phong là một trong những nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận về chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, với 10.500 ha diện tích trồng cây có múi, các sản phẩm nông sản Cao Phong khá phong phú.

“Với năng lực tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên, các HTX nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đang là mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả ở địa phương. Nhiều HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Làm gì để thay đổi chất lượng

Theo ông Lương Hùng – Giám đốc công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Eco Bắc Việt, muốn phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, nông sản hữu cơ đạt chất lượng cao, cần có sự thay đổi nhận thức của chính nhà sản xuất. Để làm được điều này, trước hết phải minh bạch về thị trường và phải xây dựng được chuỗi sản xuất nông sản an toàn, không để các HTX, nhà sản xuất rơi vào bế tắc.

“Chính phủ đã có định hướng về tiêu chuẩn VietGAP, bộ quy trình sản xuất hữu cơ…, qua đó giúp người tiêu dùng có thêm sản phẩm nông sản an toàn. Đại đa số người dân đã nhận thức rõ ràng về sản xuất an toàn, hữu cơ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất như tuổi tác, ý thức người sản xuất, giá cả thị trường và thị trường tiêu thụ…”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Vũ Quang Phong – Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam), từ trước đến nay nhà sản xuất vẫn mặc nhiên cho rằng chi phí cho sản xuất truyền thống thấp hơn chi phí cho sản xuất hữu cơ và sử dụng phân bón hóa học sẽ cho sản lượng cao, chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm đẹp so với sản xuất bằng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ rất phức tạp, chi phí đầu vào tốn kém, mẫu mã sản phẩm xấu, sản lượng thấp…

Tuy nhiên quá trình áp dụng sản xuất hữu cơ của đơn vị cho thấy, điều này hoàn toàn ngược lại, nếu nhà sản xuất tiếp cận khoa học và sản xuất hữu cơ một cách bài bản. Nếu làm đúng quy trình thì chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cao, chi phí thấp… Do vậy việc chúng ta cần hướng tới là thay đổi tư duy sản xuất và xây dựng cho bằng được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ thì mới thực sự nâng cao hiệu quả của sản phẩm nông nghiệp.

“Tiềm năng của thị trường trong nước rất lớn, trong khi đó nguồn nông sản của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, một phần nông sản của Việt Nam sản xuất còn tạo ra sự nghi ngờ của người sử dụng về an toàn, chất lượng. Do vậy, muốn tìm kiếm thị trường, xây dựng chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, phải tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bằng chính chất lượng sản phẩm bằng cách thay đổi phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ, chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn”, ông Phong nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *